NHỮNG THUỐC KHÔNG NÊN BẺ, NGHIỀN HOẶC NHAI KHI UỐNG

  07/04/2023

Hiện nay trong y học có nhiều cách để đưa thuốc vào cơ thể như thuốc uống viên (dung dịch, bột), khí dung, truyền thuốc, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, đặt hậu môn, âm đạo, bôi ngoài da, miếng dán ngoài da và nhỏ tại chỗ nhưng phổ biến nhất vẫn là uống vì đơn giản, dễ làm và chủ động cho cả nhà sản xuất và người dùng.

Tuy nhiên căn cứ vào đặc tính đặc biệt của một số thuốc nên các nhà sản xuất có những cảnh báo và lưu ý khi dùng thuốc theo yêu cầu nhất định để thuốc có thể có tác dụng tốt nhất và tránh những tác dụng phụ và gây phiền phức, khó chịu cho người dùng.

Phần nhiều bệnh nhân mua thuốc từ hiệu mang về là uống theo đơn. Tuy vậy có rất nhiều dạng thuốc viên không nên bẻ, nghiền hoặc nhai. Thông thường Bác sỹ có dặn bệnh nhân nhưng cũng có những trường hợp do bác sy quên ghi chú, quên dặn hoặc không nắm vững dược lý học nên bỏ qua.

Dựa trên nhiều nghiên cứu trong y học: việc bẻ, nghiền, nhai viên thuốc sẽ phá vỡ cấu trúc vật lý làm giải phóng thuốc, làm thay đổi dược động học của thuốc (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc) và có thể dẫn đến mất hoặc giảm hiệu quả điều trị hoặc xảy ra độc tính do thuốc phóng thích ồ ạt cho người bệnh.

Dưới đây là những dạng thuốc bệnh nhân cần lưu ý nên bẻ hoặc không khi sử dụng

Thuốc có dạng bào chế phóng thích dược chất kéo dài

Dạng thuốc có bao một lớp màng mỏng đặc biệt hoặc có khung trơ (matrix) chứa thuốc giúp phóng thích dược chất từ từ trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa để cho tác dụng kéo dài suốt 12 hoặc 24 giờ.

Dấu hiệu nhận biết: có các ký hiệu ghi kèm sau tên thuốc thường là viết tắt như: glucophage XR (Phóng thích kéo dài: metformin), SaVi Trimetazidine MR (Phân giải chậm có điều chỉnh: trimetazidin), Adalat LA (Tác dụng kéo dài: nifedipin), nifedipin retard (Phân giải chậm: Nifedipin).

Những ký hiệu viết tắt sau tên thuốc: LA Long active (tác dụng kéo dài), CR Control release, CD Control delivery (phân giải có điều khiển), SR Sustained release (phân giải chậm), XL/XR extended release, SA Sustainded action (phân giải có điều khiển), MR Modified release (phân giải có thay đổi), ER Exteded release (phân giải có điều khiển), PA Prolonged action (tác dung kéo dài), Retard (chậm)…

Dưới đây là tên một số thuốc tác dụng kéo dài thường dùng: Tardyferon B9 (Ferrous Sulfat + acid Folic), Glucophage XR (Mefformin), Panfor SR (Mefformin), Theostat LP (Theopyllin), Vastarel MR (Trimetazidin), Diamicron MR (Glyclazid), Plendil (Felodipin), Adalat LA (Niffedipin), Voltarel SR…

Một số thuốc không có ký hiệu để nhận biết như: aggrenox (aspirin and dipyridamole), pentasa (mesalamine), plendil (felodipine), nitromint (nitroglycerin).

Thuốc bao tan trong ruột

Dạng bào chế để thuốc đi qua dạ dày còn nguyên vẹn và chỉ tan ở phần đầu ruột non (tá tràng) và phóng thích dược chất ở ruột.

Việc sử dụng dạng thuốc này là ngăn ngừa dược chất bị phân hủy trong môi trường acid của dạ dày chẳng hạn như các thuốc ức chế bơm proton nexium (Esomeprazole), Ovac (Omeprazole) hoặc Pariet (Rabeprazole); hay ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày (Aspirin pH8).

Dưới đây là tên một số thuốc bao tan trong ruột thường dùng: Myfortic (Mycophenolic acid), Ovac 20 (Omeprazole), Pariet (Raberrazole), Nexium (Esomeprazole) Aspirin 81mg (Acetylsalicylic Acid) hay Aspirin pH8 …

Thuốc ngậm dưới lưỡi

Với những viên thuốc đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan cần đặc biệt lưu ý tuyệt đối không được bẻ đôi, bẻ nhỏ viên thuốc, nếu làm như vậy thì sẽ phá vỡ cấu trúc nguyên vẹn của thuốc, làm hỏng dạng thuốc. Ví dụ như thuốc sorbitrate (isosorbide dinitrate), ergomar (ergotamine).

Tên một số thuốc ngậm dưới lưỡi thường dùng như: nitroglycerin (nitroglycerin), isuprel (Isoprenalin), immubron (Chất ly giải vi khuẩn đông khô)

Thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc

Là thuốc điều trị ung thư, thuốc gây độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch. Việc nhai hoặc nghiền các thuốc này có thể không ảnh hưởng đến dược động học của thuốc nhưng sẽ tạo ra các hạt phân tử có khả năng gây hại cho người thao tác do hít phải các phân tử này.

Tên một số thuốc chống ung thư: Aremed, Arimidex, Dislonat (Anastrozol), Xeltabine, Xeloda (Capecitabin), Casodex (Bicalutamide), Nolvadex (Tamocifen), Navelbine (Vinorelbine Ditartrate), Sandimmun Neoral Cap (Ciclosporin), Cellceft (Mycophenolate mofetil)…

Dưới đây là tên một số thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc như:  DOLOBIB (diflunisal), FELDENCE (piroxicam), POSICOR (mibefradil) nếu nghiền hoặc mở viên nang, bột thuốc sẽ phân tán, tiếp xúc với da hoặc niêm mạc gây kích ứng. Thậm chí có thuốc như PROPECIA (finasteride), PROSCAR(finasteride) được khuyến cáo không được nghiền, bẻ nhỏ vì nếu bột thuốc bị phân tán, xâm nhập qua cơ thể phụ nữ mang thai (qua đường mũi, miệng) sẽ ảnh hưởng đến thai.

Thuốc rất đắng, có mùi khó chịu

Người dùng không nên nhai, nghiền những thuốc mà dược chất có mùi vị khó chịu như zinnat (cefuroxim), remeron (mirtazapine) hoặc dược chất gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa như fosamax (alendronate).

Tên một số thuốc rất đắng, có mùi khó chịu như : Betapen -VK (Penicillin V), cipro (ciprofloxacin), ceftin (cefuroxime), desyrel (trazodone), equanil (meprobamate), antesik (berberin, Mộc hương) là thuốc phải uống nguyên viên vì nếu bẻ nhỏ, nghiền nát, bệnh nhân sẽ không chịu được vị đắng khó chịu của dược chất.

Thuốc viên sủi

Đây là loại thuốc cần được làm tan hoàn toàn trong nước trước khi đưa vào cơ thể. Thuốc dạng sủi là dạng phải giữ nguyên viên, tránh ẩm tốt để giữ nguyên hoạt chất và chỉ uống sau khi hòa tan. Không được bỏ trực tiếp vào miệng, sẽ rất hại cho đường tiêu hóa và khi không đủ nước để tan, thuốc không thể phát huy hết tác dụng.

Các thuốc viên sủi thường dùng: efferalgan, efferalgan codein (Paracetamol), Calcium Hasan 250mg (Calci lactat gluconat 1470mg+ Calci carbonat 150mg (Tương đương 250mg Calci)

Bởi vậy khi dùng thuốc bệnh nhân cần hỏi kỹ Bs hoặc đọc kỹ đơn khi có các thuốc cần tăng, giảm liều, bẻ đôi hay nghiền cho các bệnh nhân hồi sức đặc biệt là các thuốc có các ký hiệu phía sau tên thuốc. Nếu cần thiết phải thay thuốc hay dược chất tương đương nhằm đảm bảo công tác điều trị tránh tai biến và các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Hiện nay đã có nhiều thuốc dán nhưng vì kỹ thuật khó, giá thành còn cao nên y học chưa phổ biến cho tất cả các loại thuốc. Nhưng trong tương lai y học sẽ có nhiều hình thức đưa thuốc vào cơ thể bằng các miếng dán ngoài da là ưu việt nhất vì khi thấy ko cần thiết hoặc dị ứng thì bỏ đi dễ dàng hơn.

Bình luận

Hà Nội: Số 45C Ngõ 143/34 Nguyễn Chính Quận Hoàng Mai Hà Nội
TP HCM: Số 184 Lê Đại Hành P15 Quận 11
Đặt hàng: 0972945305/ Tư vấn: 0906297798
Hotline: 0869966606