TIÊN LƯỢNG BỆNH Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ

  05/05/2020

Điều mà bệnh nhân và người nhà muốn biết nhất khi bị chẩn đoán ung thư là gì?

- Bệnh của tôi/người nhà tôi có nặng không?

- Liệu tôi/ người nhà tôi sống được bao lâu nữa?

- Bệnh ung thư của tôi có khỏi được không?

- Phương pháp điều trị này có hiệu quả không?

…..

Những câu hỏi đó, theo từ ngữ chuyên môn, chính là tiên lượng bệnh(Prognosis). Hiểu biết về tiên lượng sẽ giúp cho người bệnh và gia đình dễ dàng đối phó với với bệnh ung thư hơn, từ đó đưa ra quyết định:Phương pháp nào điều trị tốt nhất? Nếu điều trị thì phương pháp nào có thể tự chăm sóc bản thân tốt nhất và tránh tác dụng phụ? Làm thế nào giải quyết vấn đề tài chính và tâm lý?..

Thông thường, bác sĩ trực tiếp điều trị sẽ là người tiên lượng tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên do tình trạng quá tải, không phải bác sĩ nào cũng đủ thời gian giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và nếu giải thích thì không phải bệnh nhân nào cũng hiểu từ ngữ chuyên khoa bác sĩ nói. Bài viết này hỗ trợ 1 phần kiến thức cho mọi người về tiên lượng

1. Chỉ số thống kê hay được dùng để tiên lượng

Các bác sĩ ước tính tiên lượng bằng cách sử dụng số liệu thống kê mà các nhà nghiên cứu đã thu thập trong nhiều năm về những người mắc cùng loại ung thư. Một số loại thống kê có thể được sử dụng để ước tính tiên lượng. Các thống kê được sử dụng phổ biến nhất bao gồm:

- Thời gian sống thêm toàn bộ(Overall survival=OS): Đây là tỷ lệ phần trăm của những người mắc một loại và giai đoạn ung thư cụ thể chưa chết vì bất kỳ nguyên nhân nào trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chẩn đoán.

Ví dụ: BN A được chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú, giai đoạn III,tiên lượng sống thêm 5 năm là 93%. Có nghĩa là 100 bệnh nhân như BN A, nếu điều trị, thì có khoảng 93 người còn sống đến 5 năm. 7 bệnh nhân còn lại sẽ tử vong trước thời điểm 5 năm từ khi chẩn đoán, có thể do bệnh ung thư hay do bất kì nguyên nhân nào.

+ Có thể lấy mốc OS là 1 năm, 2 năm..5 năm..10 năm.. nhưng thời gian 5 năm hay được dùng nhất.

- Tỷ lệ sống thêm không bệnh(DFS) và Tỷ lệ sống thêm không bệnh tiến triển ( PFS): Hai chỉ số hay dùng để đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị. Biết điều này bệnh nhân và gia đình có thể cân nhắc lợi và hại, có quyết định điều trị phương pháp đó hay không.

+ Một BN bị ung thư được điều trị, một tỷ lệ bệnh nhân sẽ đáp ứng, có đáp ứng 1 phần ( triệu chứng và dấu hiệu bệnh có giảm nhưng vẫn còn) và đáp ứng toàn bộ( hết hoàn toàn triệu chứng và dấu hiệu ung thư).

+ Thời gian sống thêm không bệnh: Thời gian bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn sau khi kết thúc điều trị.

+ Thời gian sống không tiến triển :Thời gian những người không có khối u mới phát triển hoặc ung thư lan rộng trong hoặc sau khi điều trị. Bệnh có thể đã đáp ứng với điều trị hoàn toàn hoặc một phần. Hoặc bệnh có thể ổn định. Điều này có nghĩa là ung thư vẫn còn đó nhưng không phát triển hoặc lan rộng

Ví dụ:Bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn IV có đột biến EGFR, có thể lựa chọn điều trị thuốc kháng EGFR hoặc hóa chất. Trong nghiên cứu OPTIMAL, so sánh giữa Erlotinib(Tarceva) và hóa chất( Gemcitabin +carboplatin), thuốc Tarceva cho thời gian sống không tiến triển là 13,1 tháng so với hóa chất là 4,6 tháng và ít tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên Tarceva bảo hiểm chỉ chi trả 50%. Bác sĩ sẽ đưa ra thông tin và bệnh nhân lựa chọn: Nếu có điều kiện kinh tế thì chọn Tarceva, nếu ko có kinh tế thì chọn hóa chất…

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng

- Ung thư loại gì? Ví dụ ung thư gan nguyên phát tiên lượng xấu hơn ung thư tuyến giáp biệt hóa…

- Giai đoạn nào ? Nói chung cùng 1 loại ung thư, giai đoạn càng muộn tiên lượng càng xấu. VD: Tỷ lệ sống tương đối 5 năm với ung thư đại trưc tràng giai đoạn sớm là 90%. Tỷ lệ này giảm xuống 14% ở giai đoạn tiến triển…

- Độ biệt hóa của tế bào ung thư: liên quan đến sự phát triển và lan rộng. ví dụ ung thư phổi tế bào nhỏ tiên lượng xấu hơn ung thư phổi tế bào không nhỏ

- Đặc điểm của tế bào ung thư? Ví dụ: BN ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính(ER/PR) tiên lượng tốt hơn bệnh nhân có thụ thể nội tiết âm tính vì bệnh nhân có cơ hội được điều trị thuốc nội tiết…

- Tuổi, thể trạng bệnh nhân? Thể trạng bệnh nhân càng tốt thì tiên lượng càng tốt và ngược lại…

- Tùy đáp ứng của bệnh nhân với điều trị…

3. Ung thư có chữa khỏi?

- Giải thích câu hỏi này ta phải phân biệt chữa khỏi và thuyên giảm

+ “Khỏi” có nghĩa là loại bỏ hết tế bào ung thư khỏi cơ thể và đảm bảo nó không quay trở lại

+ Sự thuyên giảm có nghĩa là có ít hoặc không có dấu hiệu ung thư trong cơ thể.

- Sự thuyên giảm hoàn toàn không có nghĩa là khỏi vì có thể các tế bào ung thư vẫn còn nhưng không phát hiện được, có thể sẽ tiến triển tái phát sau này. Bệnh tái phát thường xảy ra trong những năm đầu, ít khi tái phát sau 5 năm. Vì vậy một số bác sĩ coi “chữa khỏi” là bệnh không quay trở lại trong 5 năm. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể trở lại nên bệnh nhân vẫn phải theo dõi định kì theo lịch hẹn của bác sĩ.

Tác giả bài viết: Bác sĩ Trịnh Thế Cường, Khoa Ung Bướu Bệnh Viện E

Các bài viết liên quan:

>>Cần sa là liệu pháp thần kỳ trong chữa trị ung thư?

>>4 nhóm nguyên nhân hàng đầu gây ung thư

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả

Hà Nội: Số 45C Ngõ 143/34 Nguyễn Chính Quận Hoàng Mai Hà Nội
TP HCM: Số 184 Lê Đại Hành P15 Quận 11
Đặt hàng: 0972945305/ Tư vấn: 0906297798
Hotline: 0869966606